Nhận định ngành gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn là các cơ hội, ông Nguyễn Tôn Quyền.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho rằng, bên cạnh việc Nhà nước cần tăng cường phổ biến thông tin, tập huấn cho DN các kỹ năng trong hội nhập, DN cần chủ động nâng cao năng lực sản phẩm, mẫu mã, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối… để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thưa ông, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở những vòng đàm phán cuối và kỳ vọng sẽ sớm được ký. Vậy TPP sẽ mang đến cơ hội gì cho ngành gỗ của Việt Nam?
Với 12 nước tham gia TPP đều là những quốc gia mà Việt Nam có kim ngạch XK gỗ khá lớn như Mỹ, Nhật Bản hay Australia, Canada…, đạt hàng trăm thậm chí hàng tỷ USD. Do đó, đây sẽ là những thị trường được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới.
Việc các nước trong TPP được hưởng chính sách thuế ưu đãi cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ mua gỗ nguyên liệu từ các nước này để được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất đi, mà còn mua các thiết bị công nghệ với thuế suất chỉ khoảng 3-5%, thay vì mức 17-20% từ các nước EU (Liên minh châu Âu). Ngành cũng kỳ vọng sẽ cải thiện được thị phần tại một số quốc gia như Chile, Peru…
Bên cạnh đó, dòng vốn ODA và FDI vào Việt Nam sẽ rất mạnh, tạo nguồn vốn cho phát triển, nâng cao kim ngạch XK. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có trên 450 DN FDI đầu tư vào ngành gỗ, trong đó chế biến gỗ chiếm 230 DN với tỷ trọng XK lớn. Như năm 2012 ngành gỗ XK khoảng 4,7 tỷ USD thì DN FDI chiếm 35% và năm 2013 xuất được 5,5 tỷ USD thì FDI chiếm 38%.
Vậy đâu sẽ là những thách thức mà các DN trong ngành gỗ sẽ phải đối mặt khi TPP có hiệu lực?
Thứ nhất,Việt Nam hiện đang là nền kinh tế chuyển đổi, chưa phải là kinh tế thị trường nên ngành gỗ cũng nằm trong quá trình chuyển đổi đó. Do đó, trình độ công nghệ, quản trị kinh doanh, tiếp thị dịch vụ, mẫu mã sản phẩm… có khoảng cách rất lớn so với các nước trong TPP. Nếu chúng ta cứ để khoảng cách như vậy sẽ thua thiệt nhiều, vì sản phẩm của các nước có chất lượng, giá thấp hơn, quản trị tốt hơn, do đó khi họ vào Việt Nam sẽ cạnh tranh với ngành gỗ nội địa. Chúng tôi cho rằng, sức cạnh tranh hiện nay của ngành gỗ Việt Nam với các nước là vấn đề rất lớn.
Thứ hai, hiện ngành gỗ có nhiều DN nhỏ, chiếm đến 94% là DN tư nhân gồm cả DN FDI và chỉ 5% là DN Nhà nước. DN FDI chỉ có khoảng 430 công ty có năng lực khá, còn lại đều là DN nhỏ nên đây là điều đáng lo ngại nếu như ta không bắt kịp trình độ DN FDI thì sẽ thua thiệt. Sắp tới FDI vào mạnh cũng đặt ra bài toán DN Việt Nam sẽ vươn lên như thế nào?
Thứ ba, ngành gỗ định hướng XK từ nhiều năm nay nhưng lại bỏ ngỏ thị trường nội địa. Những chính sách phát triển ngành gỗ nội địa như ưu đãi, thuế… hầu như không có, chất lượng mẫu mã, kênh phân phối kém nên nếu năng lực của ngành gỗ nội địa mà không mạnh thì cũng không giúp ích gì khi tham gia vào TPP. Bởi sức mua nội địa lớn, với gần 2 tỷ USD năm 2012 nên nếu không đáp ứng sản phẩm được cho chính người Việt Nam thì khó có thể cạnh tranh khi gỗ nước ngoài NK mạnh vào Việt Nam.
Thứ tư là các rào cản về nguồn gỗ hợp pháp, tức là yêu cầu 100% gỗ XK vào các nước này phải là gỗ hợp pháp. Bản thân Việt Nam có thể đảm bảo ở phạm vi trong nước, nhưng nguyên liệu gỗ NK thì chưa thể đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp. Chính phủ cũng đang bàn vấn đề này và đưa ra chính sách để DN thực hiện.
Với nhiều thách thức đặt ra, ông có khuyến nghị gì với Nhà nước và DN để có sự chuẩn bị tốt nhất khi đứng trong sân chơi TPP?
Hiện nay, ngoài các nước lớn như Mỹ, Nhật, các thông tin liên quan đến những nước khác trong TPP cũng rất ít nên hiệp hội chưa thể phổ biến và cập nhật được cho các DN chuẩn bị. Do đó, bên cạnh những tư vấn, cảnh báo cho DN, chúng tôi cũng đề xuất với cơ quan chức năng là cần có lộ trình thực hiện, như giảm thuế ở mức độ nào, sở hữu trí tuệ có kéo dài được không, liên kết chuỗi toàn cầu như thế nào để DN chuẩn bị. Bởi DN của ta thấp kém hơn nên phải có lộ trình kéo dài hơn nước khác để có sự chuẩn bị.
Sản phẩm của Việt Nam trước đây cạnh tranh bằng giá nhưng giờ các nước yêu cầu cạnh tranh phi giá, tức là bằng chất lượng, mẫu mã, giao dịch, kỹ năng thương mại. Do đó, DN cần sớm nhận ra những điểm yếu này để đưa ra cách thức kinh doanh phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong điều kiện có nhiều DN nhỏ như vậy, các DN cần phải liên kết lại, đáp ứng được chuỗi cung ứng trên toàn cầu, có nghĩa là cần đẩy mạnh nghiên cứu triển khai, sản xuất, dịch vụ, thị trường…
Hiện Bộ Công Thương đã tổ chức 2-3 cuộc họp để quán triệt vấn đề TPP. Thực tế chúng tôi nhận thấy, chỉ có DN lớn và các DN FDI nắm được vấn đề khá tốt và thường xuyên cập nhật thông tin. Còn lại các hộ kinh doanh nhỏ, làng nghề, mặc dù tham gia XK lớn nhưng lại rất mơ hồ về TPP nên bài toán đặt ra là làm sao để các hộ này hiểu được TPP.
Cũng phải nói trước là sẽ có một số DN nhỏ và vừa, hộ gia đình làng nghề sẽ phải giải thể. Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ tăng cường tập huấn, phổ biến kỹ thuật, cung cấp thông tin để DN hiểu được. Đó là việc phải làm ngay trong năm 2014 để DN tiếp cận và thích ứng được trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!